Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay. |
Tình yêu thương vượt qua cả nỗi sợ hãi
Trailer chính thức của bộ phim
The Host – bộ phim về đề tài thảm họa xuất sắc của điện ảnh Hàn - luôn nằm trong Top 10 phim ăn khách nhất lịch sử xứ Kim chi. Không những thế The Host còn đứng vị trí 109 trong những phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do ban giám khảo LHP Quốc tế Busan bình chọn.
Điện ảnh Hàn thời gian gần đây gặt hái thành công liên tiếp từ những tác phẩm đề tài thảm họa như Train to Busan, Ký sinh trùng, Đại dịch cúm, Tháp lửa… Song bộ phim được coi là “cái nôi” làm khán giả châu Á phải nể phục tài làm phim của các đạo diễn Hàn phải nói tới The Host (Quái vật sông Hàn).
Quái vật sông Hàn - bộ phim về đề tài thủy quái Phim được khởi chiếu tại Hàn vào tháng 7.2006
Giống như nhiều mô tuýp phim về thảm họa, The Host bắt đầu câu chuyện về cuộc sống bình dị của gia đình Gang-du. Đó là một người đàn ông bị vợ bỏ sống bằng nghề bán hàng trong công viên bên bờ sông Hàn.
Giữa nhịp sống êm ả, bất ngờ vào một buổi chiều thảm họa ập đến. Một con quái vật nửa thú nửa cá bỗng trồi lên khỏi sông Hàn, quấn phăng đi tất cả. Con quái vật với chiếc đuôi khổng lồ tàn phá công viên, bắt người ăn thịt.
Cuộc chiến giữa người hùng và quái thú luôn xuất hiện trong mọi bộ phim về đề tài thủy quái. The Host cũng không ngoại lệ. Người đàn ông lao động lầm lũi Gang-du quyết tâm đi tìm đứa con gái bé bỏng bị con quái vật bắt đi.
Cuộc chiến ác liệt giữa quái vật và người cha thương con dù mang tính viễn tưởng vẫn thuyết phục được người xem bởi tính nhân văn từ tình phụ tử.
Quái vật tấn công bất ngờ khi cuộc sống của người dân còn đang êm ả
Quái vật được “thai nghén” dưới lòng sông Hàn do hệ lụy của chất thải hóa học. Sau 6 năm, nó trồi lên khỏi mặt nước, tấn công con người. Cô bé con gái của Gang-du may mắn vẫn còn sống sau khi bị quái vật quắp đi. Nó đưa cô bé tới một chiếc cống đầy rẫy những thi thể nạn nhân khác.
Với sự giúp đỡ của những người hàng xóm, gia đình của Gang-du đã chiến đấu chống lại con quái vật để cứu sống gia đình anh. Niềm yêu thương, tình hy sinh đã tạo nên ý chí quật cường, vượt qua được nỗi sợ hãi trước một quái vật hung dữ.
Đằng sau ý nghĩa nhân văn là thông điệp về vấn đề xã hội
Không đơn thuần là tác phẩm viễn tưởng, The Host còn mang đậm lời cảnh tỉnh trước thực trạng xã hội ô nhiễm môi trường tại Hàn.
Quái vật sinh ra từ hành động thiếu trách nhiệm của con người và quay trở lại ăn thịt chính con người
Năm 2005, Albert McFarland – một bác sĩ phục vụ trong quân đội Mỹ bị kết án 6 tháng tù treo vì sơ ý đổ khoảng 90 lít chất độc formaldehyde xuống ống cống, chảy vào sông Hàn. Sự việc này được chọn làm tiền đề cho sự hình thành con quái vật khủng khiếp trong bộ phim.
Mở đầu là cảnh một bác sĩ trong quân đội Mỹ ra lệnh đổ hàng trăm chai chứa chất formaldehyde xuống các đường cống chính đổ ra sông Hàn. Những hệ lụy từ hành động bất cẩn đó khiến người dân phải gánh hậu quả sau 6 năm.
Câu chuyện về con quái thú vừa có thể sống trong nước vừa treo mình lơ lửng và chạy trên không chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho hậu quả khổng lồ mà con người phải chịu sau những tác động gây hại cho môi trường.
Cảnh tượng kinh hãi khi quái thú tấn công trên cạn
Phim là lời cảnh tỉnh tới ý thức bảo vệ môi trường của con người, đồng thời đó cũng là hồi chuông trước thực trạng một bộ phận chính quyền thờ ơ trước sinh linh của người dân.
Khi người đàn ông Gang-du cầu cứu chính quyền hỗ trợ vì ông biết con gái mình vẫn còn sống, những người lãnh đạo đã ngoảnh mặt quay đi.
Hình ảnh ấn tượng cùng dàn diễn viên tỏa sáng tạo nên sức hút
Người dân Hàn dũng cảm trước sự tấn công của quái thú
The Host được các nhà phê bình đánh giá như "Hàm cá mập của Hàn Quốc", ngầm so sánh với tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn Steven Spielberg. Hình ảnh quái vật kinh hoàng nửa cá nửa thú được tạo nên cực kỳ hấp dẫn với trí tò mò của hàng triệu khán giả.
Ở thời điểm ra mắt năm 2006, kỹ xảo điện ảnh cùng với nghệ thuật tạo hình đã biến thủy quái sông Hàn hiện lên sống động trên màn ảnh.
Đạo diễn Bong Joon Ho cho hay hình ảnh quái vật trong phim là kết quả sáng tạo thiết kế của nghệ nhân Chin Wei - người đã dựng King Kong cho đạo diễn Peter Jackson. Cùng với đó, các chuyên gia vi tính đã thực hiện kỹ xảo cho những chuyển động chân thực như thật của con quái vật.
Kinh phí sản xuất The Host lên tới 11 triệu USD - một khoản đầu tư không nhỏ với các nhà làm phim xứ Hàn vào năm 2006. Một nửa trong số đó được dùng cho việc tạo ra con quái vật lưỡng cư.
Cảnh quái vật tấn công người dân bên bờ sông Hàn
Dàn diễn viên trong phim cũng để lại nhiều ấn tượng. Gang-du, một người cha lao động bình thường nhưng xứng đáng được gọi là người hùng bởi tinh thần chiến đấu quả cảm.
Nam diễn viên Song Kang Ho đã xuất sắc vào vai Gang-du với tất cả diễn xuất chân thực nhất. Song Kang Ho cũng vinh dự nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Châu Á lần thứ nhất năm 2007 nhờ vai diễn ấn tượng này.
Song Kang Ho xuất sắc trong vai người đàn ông có đứa con bị quái vật quắp đi
Cùng với Song Kang Ho, các diễn viên Park Hae Il, Bae Doo Na, Byeon Hee Bong đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn mọi khán giả. Đạo diễn coi The Host giống như một bộ phim truyền hình dành cho gia đình, dù trong phim có nhiều cảnh kinh dị, viễn tưởng.
Điều bộ phim muốn nhắn gửi tới người xem chính là tính nhân văn trong tình yêu thương con người. Đó cũng là lý do đưa The Host tạo nên những kỷ lục phòng vé trong lịch sử điện ảnh xứ Kim chi.
from http://ift.tt/2mvy1ex
No comments: