Phim chiến tranh vốn được cho là dòng phim khó làm, bởi nội dung thường xoay quanh những câu chuyện thời chiến đã qua, và mảnh đất ấy ngày càng trở nên khô cằn, khó sáng tạo, thậm chí cả với các nhà làm phim Hollywood.
Thời gian qua, rất nhiều góc cạnh của chiến tranh đã được phản ánh qua các bộ phim với thể loại nhân vật đa dạng. Tuy nhiên, đa số đạo diễn chọn khai thác từ những sự kiện hoặc thời điểm lịch sử mà khoảng cách giữa sự sống và cái chết của một vùng đất hay một dân tộc, chỉ được tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ.
The Imitation Game
Không súng ống, không khói lửa, bộ phim tiểu sử về nhà bác học Alan Turing xứng đáng được coi là một phim chiến tranh bởi sự hy sinh của các nhân vật trong phim đã cứu được hàng triệu con người.
Kể về thành tựu của những nhà toán học làm việc ngày đêm nhằm giải mã cỗ máy Enigma của Phát xít Đức, The Imitation game đã đem đến một góc nhìn khác về những người hùng trong chiến tranh.
Những nhà toán học được giao nhiệm vụ giải mã cỗ máy Enigma
Năm 1939, hàng triệu người lính Anh Quốc đứng trước bờ vực bị chết đói bởi toàn bộ tàu chở lương thực tiếp tế cho quân đội đều bị quân Đức phát hiện sớm và bắn chìm.
Trước tình thế đó, quân đội Anh tập hợp một nhóm các nhà toán học nhằm tìm ra cách giải mã Enigma, chính chìa khóa của cuộc chiến này.
Alan Turing là người đã kiên quyết với giải pháp của mình, là tạo ra một cỗ máy có thể đánh bại Enigma, thay vì ngồi tính mỗi ngày mà không đem lại kết quả.
Nam tài tử Benedict Cumberbatch trong vai diễn Alan Turing và cỗ máy Christopher, được coi là tiền thân của máy tính ngày nay
Sau rất nhiều nỗ lực và xung đột, có nước mắt và cả máu, cuối cùng Alan Turing đã hoàn thiện cỗ máy mang tên Christopher và giải được những tín hiệu Enigma đầu tiên. Từ đó, toàn bộ chiến lược của quân đội Anh đều dựa trên tính toán của nhóm này, và Anh Quốc đã khiến quân đội Đức phải bại trận.
Có thể nói, thành công của Alan Turing đã không chỉ cứu được quân đội Anh khỏi nạn đói, mà còn cứu hàng triệu người Anh khỏi thảm họa diệt vong trong Thế chiến II.
Saving Private Ryan
Luôn là một trong những bộ phim chiến tranh thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới, Saving Private Ryan là bản anh hùng ca không chỉ về sự hi sinh trong cuộc chiến mà còn về tình cảm giữa con người với con người.
Tài tử Tom Hanks vào vai Đại úy John H. Miller đã khiến tâm trí người xem phải "căng như dây đàn" bởi ánh mắt kiên định của ông trong cuộc tìm kiếm binh nhì Ryan, người sống sót duy nhất trong gia đình có 4 người con đều nhập ngũ.
Bờ biển đẫm máu gây ám ảnh trong Saving Private Ryan
Bất chấp hiểm nguy, tìm và cứu bằng được Ryan, Miller đã hy sinh bản thân mình trong bối cảnh đại đội của ông bị bủa vây.
10 phút đầu bộ phim thực sự khiến người xem phải căng thẳng bởi một bối cảnh hoang tàn bên bờ biển và đâu đâu cũng là xác quân lính chết. Sự sống và cái chết có thể thế chỗ cho nhau bất cứ lúc nào.
Bộ phim đã lấy nước mắt của hàng triệu khán giả, bởi nếu không ở trong những hoàn cảnh đó, tình thương giữa người và người chưa chắc đã được cháy lên.
Để cứu được Bình nhì Ryan, Đại úy Miller đã hy sinh
The Hurt Locker
Những người yêu điện ảnh hẳn còn nhớ màn đối đầu giữa đạo diễn siêu phẩm Avatar - James Cameron và vợ cũ Kathryn Bigelow, đạo diễn bộ phim chiến tranh The Hurt Locker tại lễ trao giải Oscar năm 2010.
Cuối cùng, bộ phim của nữ đạo diễn về đội tháo gỡ bom mìn ở Iraq đã giành được tượng vàng từ Viện Hàn lâm và không hề khó để tìm ra lí do.
Công việc gỡ bom mín nguy hiểm như là ngàn cân treo sợi tóc
Đi theo ba nhân vật của đội gỡ mìn, 120 phút của bộ phim The Hurt Locker cũng căng thẳng không kém gì công việc của họ.
Không chỉ đối mặt với những trái mìn mà còn với đội quân khủng bổ, tính mạng của các nhân vật chính luôn luôn trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc.
Không sử dụng quá nhiều công nghệ hiện đại như người chồng cũ của mình trong bộ phim viễn tưởng, Kathryn Bigelow kể một câu chuyện chiến tranh thô ráp và bụi bặm như chính bản chất của nó.
Những cảnh quay khốc liệt nhất trong phim The Hurt Locker
Dunkirk
Sắp tới, bộ phim Dunkirk của đạo diễn tài ba Christopher Nolan sẽ chính thức ra mắt khán giả toàn thế giới. Dựa trên một sự kiện có thật trong cuộc Thế chiến II, Chris Nolan với tài năng của mình, sẽ nhào nặn bộ phim thành một bản anh hùng ca bi tráng.
Bờ biển Dunkirk là một trong những sự kiện lịch sử nổi tiếng nhất trong Thế chiến II
Năm 1940, lực lượng viễn chinh Anh quốc cùng với các quân đoàn của Pháp, Bỉ và quân Đồng Minh bị dồn về bờ biển ở Dunkirk. Dù những người lính chỉ còn cách quê nhà của họ khoảng 26 dặm, nhưng việc trở về nhà đối với họ dường như là bất khả thi.
Bãi biển cạn với thuỷ triều chỉ cao 6 mét đã khiến cho các con tàu hải quân không thể tới chi viện. Chỉ còn một hi vọng cuối cùng: một chiến dịch có tên là Operation Dynamo đã được thủ tướng Anh phát động để huy động những con tàu dân sự đang hoạt động ở eo biển phía Nam của nước Anh tới Dunkirk để đưa 400 nghìn người lính trở về.
Những người lính bị mắc kẹt ở Dunkirk, một số họ đã không thoát khỏi mục đích xóa sổ quân Đồng minh của Đức
Trận đánh ở Dunkirk được coi là một trong những cuộc xóa sổ đẫm máu nhất của quân đội Đức đối với quân đội Đồng minh. Tuy nhiên, với "tinh thần Dunkirk", quân đội Anh đã đưa được hơn 300 ngàn người lính về được quê hương mình, dù tổn thất gần 1/4 quân lính là quá nặng nề.
Đoạn trailer chính thức của Dunkirk cũng đã khiến người xem phải rưng rưng nước mắt vì tinh thần của không chỉ những chiến sĩ bị mắc kẹt, mà của cả những người ở hậu phương của họ.
Cuộc di tản Dunkirk sẽ ra mắt khán giả toàn quốc từ ngày 20/07/2017.
Trailer gây ám ảnh của Cuộc di tản Dunkirk
No comments: