Vài năm trở lại đây, sau "làn sóng" phim ngoại, đặc biệt là Hàn Quốc, đổ bộ vào Việt Nam, khán giả thay vì phải xem những bộ phim nhập "nguyên đai nguyên kiện" thì việc chuyển thể từ kịch bản nước ngoài đã nhanh chóng được các nhà sản xuất nắm bắt.
Những bộ phim "Việt hóa" không chỉ chiếu ở rạp mà còn "phủ sóng" trên nhiều kênh truyền hình vào khung giờ vàng. Nổi bật trong số đó phải kể tới các phim: Em là bà nội của anh ,Ngôi nhà hạnh phúc, Vợ tôi là số 1, Cô nàng bướng bỉnh, Có lẽ nào ta yêu nhau, Mùi ngò gai…
"Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" là hai bộ phim ăn khách
Gần đây nhất, hai bộ phim "Người phán xử" chuyển thể từ "The Abitrator" - tác phẩm của Israel với 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần, phá vỡ mọi kỷ lục về phim truyền hình ở nước này và phim "Sống chung với mẹ chồng" chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc có thể coi như dấu mốc thành công trong quá trình "Việt hóa" kịch bản ngoại. Vậy lý do gì khiến phim "Việt hóa" lại "đắt hàng" đến vậy?.
Đầu tiên chính là tính hấp dẫn, nhiều lớp lang, chuẩn mực của kịch bản nước ngoài. Sau đó là quá trình "thử lửa" tại thị trường điện ảnh ngoại quốc. Phim có thu hút đông đảo khán giả, được đánh giá cao, gây tranh luận thì nhà sản xuất phim trong nước mới tìm cách "nhập" về.
Như vậy, ở góc độ nội dung, đây là cách làm an toàn nhất. Theo đó, nhà sản xuất trong nước chỉ cần chọn bối cảnh, thay đổi phần nào kịch bản cho hợp văn hóa Việt, chọn diễn viên và lên sóng.
Sức "công phá" của các bộ phim "nhập" kịch bản ngoại suốt vài năm gần đây liệu có phản ánh thực trạng phim Việt, kịch bản Việt kém cỏi, nhạt nhòa không?.
Câu trả lời là: Không hẳn! Việt Nam từng có không ít bộ phim thuần Việt, có những kịch bản xuất sắc, giành giải quốc tế. Đó là thời kỳ vàng son của phim màn ảnh rộng. Một trùng hợp dễ nhận thấy là các bộ phim này có những điểm chung để làm nên thành công, đó là: Kịch bản tốt (chủ yếu được chuyển thể từ tác phẩm văn học trong nước đã có tiếng vang), đạo diễn tốt, diễn viên tốt.
Bàn riêng về diễn viên, bấy giờ các đạo diễn không có tiêu chí chọn người mẫu, ca sĩ, nói cho gọn là gương mặt "đình đám" showbiz cho vai diễn mà khăn gói "lên rừng xuống biển" chọn diễn viên. Đó có thể là một nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chuẩn mực, đã qua thử thách. Đó cũng có thể là một cô thôn nữ, sơn nữ ở miền đất hẻo lánh xa xôi nào đó mà bằng cảm quan, tâm huyết người làm nghề, đạo diễn hiểu họ sẽ "làm nên chuyện".
Phim "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" làm nên sức hút với khán giả là một tín hiệu đáng mừng cho sự nhạy bén, mở rộng cách tiếp cận khán giả của đội ngũ làm phim nhưng rõ ràng không đáng để "tự sướng" quá lâu, vui mừng dai dẳng, đánh tráo khái niệm hay bắt chước nhau cứ "nhập" kịch bản ngoại cho "chắc ăn"!
Thực tế chứng minh, ngay cả khi có kịch bản ngoại, quá trình "Việt hóa" của các bộ phim dạng này vẫn để lộ ra nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, vai Vân Điệp trong "Người phán xử" là một thất bại, là sự sống sượng, "mời mọc lấy được". Hầu hết khán giả xem phim đều khó chịu về cách nhập vai gượng gạo, gương mặt thiếu biểu cảm của nhân vật này.
Điện ảnh trong nước không thiếu những con đường tiếp cận khán giả. Bởi thế, nếu các nhà sản xuất phim không nảy ra được ý tưởng gì độc đáo, mới lạ, đột phá hãy cứ "bắt chước" người xưa. Tiếp cận văn hóa, văn học, đời sống một cách sâu sắc, sâu nặng và chuyển thể tác phẩm gốc, "đốt đuốc" mà tìm nhà biên kịch giỏi, diễn viên tài năng.
Một trong những các đạo diễn hiếm hoi có phim thường xuyên "cháy vé" khi ra rạp chính là đạo diễn Victor Vũ. Đáng nói, anh sinh trưởng, học tập tại Mỹ, tiếp thu nền văn minh phương Tây nhưng cuối cùng lại chọn con đường truyền thống đó là trở về Việt Nam, bắt đầu bằng nền tảng tác phẩm văn học.
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là bộ phim của Victor "làm mưa làm gió" tại các phòng vé Việt Nam. Ngay trong tuần đầu trình chiếu, phim đã đoạt doanh thu hơn 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ đồng) và sau một tháng ra rạp, tác phẩm thu tổng cộng 3,5 triệu USD, "có mặt tại 65 cụm rạp.
Được đánh giá là tác phẩm điện ảnh Việt có doanh thu cao bậc nhất mọi thời đại. Ngoài ra, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" còn đạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Gọi đó là "hiện tượng" cũng đúng bởi phim tựa một "viên ngọc" trong veo xoay quanh các kỷ niệm tuổi thơ. Hoàn toàn không có yếu tố "câu view" rẻ tiền, không có gương mặt đình đám showbiz.
Điện ảnh trong nước không thiếu tác phẩm gốc, kịch bản hay, diễn viên tốt, đạo diễn có nghề... có chăng, điều chúng ta còn thiếu chính là sự lăn lộn, mạo hiểm, hi sinh cho nghề thay vì chọn một con đường dễ dãi, "chắc ăn" và tự thỏa mãn bằng cách định lương qua sự chú ý, tranh cãi của đám đông.
Minh chứng cho điều này chính là hàng loạt đoạn phim ngắn mang tính cắt ghép, ăn theo hai bộ phim này với dàn diễn viên hệt phim chính được phát ngay trước khung giờ phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" lên sóng. Liệu những nhà sản xuất phim có quan tâm tới cảm xúc, thậm chí là nỗi lấn cấn, bức xúc của khán giả khi họ buộc phải thưởng thức phần "nối dài", "tự sướng" này không?.
No comments: